Cải thiện chất lượng giấc ngủ bằng AI
Ủy ban đã xem xét cách AI hỗ trợ trong 3 lĩnh vực: ứng dụng lâm sàng, quản lý lối sống và sức khỏe cộng đồng.
Ứng dụng lâm sàng liên quan đến việc ứng dụng AI để chẩn đoán và điều trị các chứng rối loạn giấc ngủ; trong khi quản lý lối sống tập trung vào sử dụng công nghệ này để theo dõi dữ liệu giấc ngủ. Ở lĩnh vực cuối cùng - sức khỏe cộng đồng, AI hứa hẹn mở ra một cách tiếp cận mới đối với sức khỏe cộng đồng liên quan đến giấc ngủ, BS. Anuja Bandyopadhyay - Chủ tịch Ủy ban Trí tuệ Nhân tạo trong Y học Giấc ngủ tại Bệnh viện Nhi đồng Riley (Trường Y Đại học Indiana) cho hay.
Nữ bác sĩ chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Fox News Digital: "Chất lượng, số lượng giấc ngủ ngon là điều rất cần thiết cho sức khỏe… Là các bác sĩ chuyên về giấc ngủ, chúng tôi đã khuyến nghị điều đó trong nhiều năm. Nhưng giấc ngủ thường là thứ đầu tiên bị “hy sinh” để nhường chỗ cho các mối quan tâm khác".
Trong nhiều năm, bệnh nhân không có công cụ để theo dõi giấc ngủ hoặc thói quen ngủ của họ, điều này khiến các bác sĩ khó nắm được dữ liệu cần thiết để đánh giá chất lượng, số lượng giấc ngủ.
"Với sự xuất hiện của AI, chúng ta hiện đã có khả năng theo dõi giấc ngủ, xác định các mẫu và nhận ra các thay đổi của các thông số sinh lý khác có thể thông báo cho bác sĩ nếu có điều gì đó không ổn… Đồng thời, công nghệ này có thể giúp bệnh nhân theo dõi giấc ngủ của họ và hiểu rõ hơn về thói quen ngủ, giúp họ thực hiện những thay đổi tích cực vì lợi ích sức khỏe”, BS. Bandyopadhyay nói.
Vị chuyên gia phân tích một số ưu điểm khi ứng dụng AI trong cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Giám sát giấc ngủ cá nhân: Các thiết bị sử dụng AI có thể giám sát mẫu giấc ngủ chính xác hơn thông qua công nghệ đeo và các thiết bị thông minh. Chúng có thể phân tích các dữ liệu như: chuyển động, nhịp tim và hơi thở để cung cấp thông tin chi tiết về chất lượng giấc ngủ.
Chẩn đoán rối loạn giấc ngủ: Các thuật toán AI có thể hỗ trợ chẩn đoán các rối loạn giấc ngủ như: mất ngủ, ngưng thở khi ngủ và chứng ngủ rũ… bằng cách phân tích các tập dữ liệu lớn, từ các nghiên cứu về giấc ngủ hiệu quả.
Đưa ra khuyến nghị về giấc ngủ: AI có thể đưa ra các khuyến nghị cá nhân hóa về giấc ngủ dựa trên mẫu giấc ngủ, lối sống và dữ liệu sức khỏe cá nhân. Điều này bao gồm lời khuyên về thời gian ngủ tối ưu, các kỹ thuật thư giãn…
Phân tích và dự đoán: AI có thể dự đoán các nguy cơ tiềm ẩn về giấc ngủ bằng cách phân tích các mẫu và xu hướng dữ liệu, cho phép người ta thực hiện các biện pháp phòng ngừa trước khi các vấn đề trở nên nghiêm trọng.
Không gian ngủ thông minh: AI có thể được tích hợp vào các hệ thống nhà thông minh để tạo ra không gian phù hợp cho giấc ngủ bao gồm: các tùy chỉnh ánh sáng, nhiệt độ và âm thanh dựa trên chu kỳ giấc ngủ cá nhân.
Tích hợp sức khỏe tâm thần: Dựa trên mối liên hệ chặt chẽ giữa giấc ngủ và sức khỏe tâm thần, AI có thể cung cấp thông tin chi tiết về sức khỏe toàn diện, tích hợp dữ liệu giấc ngủ với các đánh giá về sức khỏe tâm thần để đưa ra các giải pháp chăm sóc sức khỏe.
Mặc dù những tiến bộ trong công nghệ AI đã được chứng minh giúp con người tối ưu hóa các công việc, chức năng hàng ngày, nhưng các chuyên gia vẫn khuyến cáo nên thận trọng. BS. Bandyopadhyay nói: “Đây vẫn là một thuật toán phức tạp cần được đào tạo và giám sát đầy đủ”.
Theo chuyên gia, điều quan trọng là phải có các lớp bảo mật tại chỗ để AI được sử dụng một cách có trách nhiệm, mà không ảnh hưởng đến quyền riêng tư của bệnh nhân.
(Nguồn: Fox News)